Nhiều bà mẹ nhận thấy rằng việc hút và bảo quản sữa của mình để dùng sau này là một việc vô cùng tiện lợi và cần thiết. Đây là việc nên làm đối với những bà mẹ chuẩn bị quay trở lại làm việc hoặc không có điều kiện ở bên cạnh con 24/7. Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn biết cách hút và bản quản sữa mẹ an toàn.
Hút sữa
- Rửa tay thật sạch với nước và xà phòng.
- Rửa tất cả các bộ phận của máy hút sữa có tiếp xúc trực tiếp với ngực hoặc sữa mẹ. Hãy rửa chúng bằng nước nóng và xà phòng. Xả thật sạch. Để khô tự nhiên trên một chiếc khăn sạch. Nếu con bạn sinh non hoặc yếu, bệnh viện có thể yêu cầu bạn khử trùng các bộ phận hút của máy hút sữa.
- Đọc hướng dẫn sử dụng máy hút sữa thật kỹ và làm theo. Hãy khử trùng các bộ phận hút của máy ít nhất một lần một ngày.
- Tiến hành hút sữa khi bạn thực sự thư giãn và ngực cảm thấy đầy sữa. Hãy thử cho con bú trực tiếp một bên ngực và hút sữa ngực còn lại một lần một ngày. Hoặc hút sữa trong một vài phút nếu con bạn bỏ bú hoặc bú rất ít. Nên nhớ dùng trợ ti có kích thước phù hợp với núm vú của bạn.
- Những bà mẹ đi làm có thể giúp con mình học cách bú bình một khi bé đã có thói quen bú tốt. Tốt nhất bạn nên chờ khoảng 3-5 tuần trước khi tập cho bé bú bình. Nếu bạn gặp vấn đề trong việc cho con bú, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn.
- Bắt đầu hút và dự trữ sữa trong 1-2 tuần trước khi quay trở lại làm việc. Nhiều bà mẹ đi làm sử dụng sữa tươi mà họ đã hút ở công ty để cho con bú vào ngày hôm sau. Họ đông lạnh sữa của ngày thứ sáu để dùng cho thứ hai.
- Hãy đông lạnh sữa để dùng trong các trường hợp khẩn cấp.
- Hút sữa ba lần trong suốt tám tiếng làm việc, hoặc mỗi ba tiếng khi bạn không ở bên cạnh con mình. Hút sữa 10 phút trong giờ giải lao hoặc 15 phút trong giờ ăn trưa bằng một chiếc máy hút sữa tốt sẽ giúp bảo vệ nguồn sữa của bạn. Nếu bạn không thể hút sữa ba lần, hãy hút càng nhiều càng tốt mỗi ngày.
- Cho con bú vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ sẽ giúp duy trì nguồn sữa và bảo vệ mối quan hệ thiêng liêng giữa hai mẹ con.
Bảo quản sữa
- Việc sữa hút ra có màu sắc, độ đặc và mùi khác nhau phụ thuộc vào chế độ ăn của bạn là hoàn toàn bình thường. Sữa được bảo quản sẽ tách thành từng lớp. Kem sẽ nổi lên trên cùng. Hãy lắc bình sữa đã được làm ấm một cách nhẹ nhàng để hòa trộn các lớp lại với nhau.
- Bạn có thể tiếp tục cho một lượng nhỏ sữa mẹ đã được làm mát vào cùng một bình đã được làm lạnh trong suốt cả ngày. Tránh trộn lẫn sữa ấm vào sữa đã được làm mát.
- Bạn có thể cho sữa mới hút ra vào chung với sữa đông lạnh miễn là bạn đã làm mát nó và lượng sữa mới hút ra phải ít hơn lượng sữa đông lạnh.
- Bảo quản sữa trong bình hoặc túi chuyên dụng không có chứa hóa chất BPA.
- Đông lạnh sữa thành từng phần nhỏ có thể tích từ 50-150 ml. Việc này sẽ giúp bạn rã đông sữa dễ dàng hơn. Bằng cách này, bạn sẽ ít lãng phí sữa và tránh được việc cho con bú quá mức cần thiết. Chất lỏng sẽ giãn nở khi đông lại. Vì vậy, đừng cho sữa quá đầy bình hoặc túi đựng khi cho vào tủ lạnh.
- Đóng bình hoặc túi đựng sữa thật kín. Viết ngày hút sữa lên một miếng băng keo và dán lên bình hoặc túi đựng sữa. Hãy dùng sữa cũ nhất trước.
Sự thay đổi mùi vị của sữa
Nguyên nhân sữa thay đổi mùi vị
Sự thay đổi mùi vị của sữa có thể bị gây ra bởi thuốc, chế độ ăn của mẹ, hút thuốc hoặc để sữa tiếp xúc với nhiệt độ lạnh khi bảo quản. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ không nhận ra được những sự thay đổi này.
Thay đổi mùi do lipase
Đôi khi sữa mẹ khi đông lạnh sẽ phát triển một mùi vị khó chịu do một loại enzyme sữa mẹ bình thường có tên gọi lipase. Khi rã đông, sữa này thường có mùi khó chịu như bị ôi. Sữa này vẫn an toàn để sử dụng và nhiều trẻ sẽ không nhận ra sự thay đổi này. Tuy nhiên, vài trẻ có thể sẽ từ chối bú sữa này trong lần đầu tiên hoặc sau này khi mà chúng đã phát triển các hành vi bú tự nguyện và nhận biết được mùi vị.
Kiểm tra trước khi đông lạnh
Trước khi đông lạnh một lượng lớn sữa, các bà mẹ có thể kiểm tra sự thay đổi mùi vị do lipase. Hút và đông lạnh 1-2 bình hoặc túi đựng sữa trong ít nhất năm ngày. Sau đó kiểm tra mùi sữa và xem con bạn có chịu bú hay không.
Loại bỏ sự thay đổi mùi vị do lipase khi đông lạnh
Nếu sữa thay đổi mùi vị trong quá trình đông thử nghiệm, các bà mẹ có thể đun gần sôi sữa tươi trước khi đông lạnh. Đun gần sôi sữa đã đông lạnh sẽ không giúp giải quyết các vấn đề về mùi vị.
Để đông sữa tươi:
- Đun sữa trong một chiếc nồi cho đến khi những bong bóng nhỏ xuất hiện xung quanh thành nồi (khoảng 80°C).
- Bắc xuống và làm mát ngay lập tức trước khi đông lạnh.
Đun gần sôi sẽ làm giảm bớt một vài chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ, vì vậy bất cứ khi nào có thể, hãy cho con bạn bú sữa tươi.
Rã đông
- Rã đông sữa qua đêm trong tủ lạnh, hoặc giữ bình sữa dưới vòi nước ấm đang chảy để rã đông nhanh hơn. Bạn cũng có thể ngâm bình hoặc túi đựng sữa đóng kín trong một tô nước ấm trong khoảng 20 phút để sữa có nhiệt độ bằng nhiệt độ cơ thể.
- Sữa đã rã đông có thể được bảo quản trong tủ lạnh trong 24 tiếng. KHÔNG TÁI ĐÔNG SỮA MẸ.