.

Chăm sóc răng cho trẻ 0-2 tuổi

Người ta thường nói "ôi lo gì, chỉ là răng sữa thôi mà". Thực ra răng sữa rất quan trọng. Răng sữa khỏe mạnh sẽ mở đường cho sự phát triển răng khỏe mạnh khi trưởng thành. Và bằng cách giúp trẻ chăm sóc răng thật tốt, bạn đang bắt đầu những thói quen giúp bảo vệ răng trong suốt cuộc đời sau này của trẻ.

Khi một đứa trẻ được sinh ra, bộ răng đầu tiên đã có sẵn ở đó, chỉ nằm bên dưới nướu thôi. Sự xuất hiện của chiếc răng đầu tiên luôn khiến các bậc phụ huynh cảm thấy hào hứng và hạnh phúc. Răng trước thường mọc xuyên qua nướu vào khoảng thời gian từ 6-12 tháng. Trong hai năm tiếp theo những chiếc răng còn lại sẽ xuất hiện. Khi trẻ được 3 tuổi tất cả 20 chiếc răng của bé sẽ xuất hiện đầy đủ. Những chiếc răng này rất quan trọng cho việc ăn, nói và cười của trẻ. Chúng cũng giúp giữ chỗ cho những chiếc răng trưởng thành.

 

Chế độ ăn và sức khỏe răng của trẻ

Trẻ sinh ra không phải là người hảo ngọt. Chúng sẽ thích những thức ăn cho trẻ làm tại nhà không có đường. Nếu bạn mua thức ăn cho trẻ,  hãy chọn những loại không có đường. Bạn cũng không nhất thiết phải mua những loại nước ép trái cây đặc biệt. Trẻ vẫn thích những loại nước ép bình thường. Đối với trẻ rất nhỏ, bạn nên pha loãng nước trái cây với nước sôi để nguội.

Đường và thức ăn có đường là kẻ thù xấu nhất của răng. Để bào đảm sức khỏe răng cho trẻ, hãy hạn chế tần suất tiêu thụ những đồ ăn thức uống có đường của trẻ. Hãy cho trẻ ăn uống như một phần của một bữa ăn thay vì giữa các bữa ăn nếu có thể. Ăn uống quá nhiều thực phẩm có đường quá thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu răng của trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng một khi những chiếc răng đầu tiên của bé bắt đầu mọc (khoảng 6 tháng tuổi).

Cách tốt nhất để chăm sóc cho răng của trẻ là cho trẻ ăn những thức ăn tốt cho sự phát triển của trẻ. Bạn có thể dùng Kim tự tháp dinh dưỡng như kim chỉ nam của mình - hãy chọn nhiều loại thực phẩm từ phần đáy của kim tự pháp, ít thực phẩm ở phần đỉnh. Bạn có thể thấy những thực phẩm có đường được xếp vào đỉnh của kim tự tháp.

 

Bú bình


Đừng bao giờ cho bé uống những loại thức uống ngọt bằng bình. Điều này vô cùng có hại khi bé bắt đầu mọc răng. Cố gắng không tạo cho bé thói quen ôm bình sữa khi ngủ trưa hoặc vào buổi tối. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không nên được để ngủ chung với bình sữa. Bình sữa của bé chỉ nên được sử dụng khi cho ăn chứ không nên được dùng như núm vú giả.

Một đứa trẻ sẽ có thể sử dụng tách khi được 6 tháng tuổi, và có thể thôi bú bình khi được 12 tháng tuổi. Cho bé uống nhiều nước sôi để nguội và khoảng nửa lít sữa mỗi ngày (sữa mẹ và sữa công thức đối với trẻ từ 1 tuổi trở xuống và sữa bò cho trẻ lớn hơn).

 

Mọc răng

Một vài đứa trẻ bị đau nướu khi bắt đầu mọc răng. Trẻ sẽ trở nên bồn chồn hoặc cáu kỉnh, và có thể bắt đầu ăn ngủ không ngon. Đôi khi điều này sẽ dẫn đến những vấn đề về tiêu hóa thức ăn hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, mọc răng không làm trẻ thực sự bị bệnh, vì vậy những đứa trẻ bị bệnh nên được đưa đi khám - đừng nghĩ rằng đó chỉ là do mọc răng mà thôi.

Hãy cho trẻ một thứ gì đó để nhai. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại vòng cắn mọc răng - nhưng hãy ưu tiên chọn mua những loại được làm từ chất liệu mềm và có kích thước to vừa đủ để ngăn ngừa nguy cơ trẻ nuốt phải. Một vài chuyên gia cho rằng những chiếc vòng cắn có dung dịch bên trong có thể được làm mát trong tủ lạnh là tốt nhất. Sữa, nước sôi để nguội, hoặc nước ép trái cây không đường đã được pha loãng cũng rất tốt. Nếu trẻ thức giấc giữa đêm và trở nên cáu kỉnh, bạn có thể dùng một ít kem bôi giảm đau răng nướu cho trẻ - nên chọn loại không đường nhé. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua kem. Tránh những loại kem làm tê liệt nướu trừ khi bạn được nha sĩ khuyên dùng.

 

Núm vú giả


Không phải đứa trẻ nào cũng cần được ngậm núm vú giả. Nếu bạn cảm thấy con mình cần một chiếc núm vú giả, hãy đảm bảo nó có thiết kế phù hợp. Một chiếc núm vú giả loại chỉnh răng là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Chỉ dùng nó khi thực sự cần thiết và giúp trẻ thôi ngậm núm vú giả càng sớm càng tốt. Nếu không nó sẽ có những tác động xấu đến sự phát triển răng của trẻ. Đừng bao giờ nhúng núm vú giả vào dung dịch có đường (mật ong, mứt hoặc thuốc si-rô) để khuyến khích trẻ ngậm.

 

Ngậm ngón tay

Trẻ thường có xu hướng rất thích ngậm một thứ gì đó - bao gồm cả ngón tay của mình. Ngậm ngón tay không có tác hại gì thực sự đến trẻ. Hầu hết trẻ nhỏ đều tự thôi ngậm ngón tay. Bạn có thể mong đợi con mình thôi ngậm ngón tay khi trẻ được 4 tuổi

Ngậm ngón tay chỉ thực sự trở thành vấn đề khi trẻ lớn hơn độ tuổi này. Một vài trẻ ngậm ngón tay rất mạnh. Việc này có thể làm cho răng trẻ biến dạng. Trẻ cần được giúp đỡ để thôi ngay lập tức. Nếu muốn giúp bé thôi ngậm ngón tay, nên nhớ rằng trẻ cảm thấy rất hạnh phúc và yên tâm khi thực hiện hành động này. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ làm những hành động khác có tác dụng tương tự thay vì ngậm ngón tay.

 

Chấn thương răng


Khi trẻ đang học đi, chúng thường rất dễ bị ngã và gây chấn thương răng hoặc miệng. Bạn nên đưa trẻ đến nha sĩ ngay lập tức nếu miệng trẻ bị thương và không ngừng chảy máu, hoặc nếu trẻ gây tổn hại một chiếc răng, hoặc nếu trẻ bị ngã và làm một chiếc răng thụt vào trong nướu. Nha sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang cho trẻ và quyết định nên làm gì. Trong hầu hết các trường hợp, tất cả những gì bạn cần làm khi trẻ bị thường răng là quan sát kỹ răng và nướu của trẻ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng bạn cũng nên đưa trẻ đến nha sĩ để chắc chắn hơn.

Mevabe.tintre.net

Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cần thiết dành cho phái đẹp

comments powered by Disqus